10 điều Magnum photographer David Hurn có thể dạy bạn về Nhiếp ảnh
Tôi vừa đọc xong quyển “On Being A Photographer”, một cuốn sách hướng dẫn tuyệt vời dành cho những nhiếp ảnh gia nhiều tham vọng. Quyển sách được soạn thảo bởi Bill Jay với sự hợp tác của nhiếp ảnh gia David Hurn của tạp chí Magnum. Quyển sách này đề cập đến rất nhiều điều khác nhau, chẳng hạn như làm sao để lựa chọn một chủ thể, làm thế nào để thực hiện một dự án nhiếp ảnh, cũng như làm thế nào để chỉnh sửa và chọn lựa những bức ảnh đẹp nhất.
Bài viết này sẽ nhắm đến những mục quan trọng nhất mà tôi đã học được từ quyển sách này. Còn bây giờ, hãy đọc tiếp và xem bạn có thể học được những gì từ David Hurn và Bill Jay nhé!
1. Nhiếp ảnh gia là những nhà biên tập tệ nhất
Khi tôi nói về biên tập, ý tôi muốn nói đến việc lựa chọn hình ảnh đẹp nhất, chứ không phải là quá trình xử lý hình ảnh.
Trong quyển sách này, David Hurn thảo luận về việc vì sao các nhiếp ảnh gia lại là những nhà biên tập kinh khủng cho chính tác phảm của họ. Ông đưa ra ví dụ về W Eugene Smith và Dự án Pittsburg của ông ấy. Khi làm việc với các tạp chí và nhà xuất bản, người lựa chọn các bức ảnh xuất sắc nhất cho W Eugene Smith không phải ông ấy mà là các nhà biên tập.
Smith ghét sự kiểm soát của các nhà biên tập cho chính tác phẩm của ông nên ông đã bắt tay vào một dự án sử thi về Pittsburg. Có một rắc rối xảy ra đó là dự án này quá choáng ngợp và đã làm hao hụt khá nhiều sức lực của ông. Ông đã không thể biên tập toàn bộ dự án một cách hiệu quả.
Ông đã chụp hàng chục ngàn bức ảnh nhưng cuối cùng không thể chọn lựa để lọc ra một vài ngàn tấm hình. Không phải bàn cãi, đây là một thất bại to lớn và ông không thể tìm được một ai để xuất bản các bức hình trong thể nguyên vẹn thật sự của chúng.
Do đó, là một nhiếp ảnh gia, rất khó để chúng ta có thể chọn lựa chính tác phẩm của mình. Lý do đó đưa ra là chúng ta thường cảm thấy quá gắn bó về cảm xúc đối với những bức hình mà mình chụp, kể cả những bức hình lỗi. Có một việc quan trọng đó làm tìm thêm một luồng ý kiến thứ hai về những bức ảnh của mình, bởi vì người khác sẽ giúp chỉ ra những điểm chưa hoàn hảo trong tác phẩm của chúng ta. Đương nhiên chúng ta sẽ không giao toàn quyền quyết định biên tập cho người ngoài, nhưng nếu bạn đang bắt tay làm một dự án và có khoảng một vài trăm bức hình, hãy thử chọn khoảng 20 bức và nhờ một nhiếp ảnh gia khác hoặc một biên tập viên bạn tin tưởng để giúp bạn chọn lại 10 bức cuối cùng từ 20 bức hình ấy.
2. Hãy hiểu rõ về “Khoảnh khắc Thai nghén”
David Hurn miêu tả “những khoảnh khắc thai nghén” như là “những khoảnh khắc mang tính quyết định” đang chờ đợi để diễn ra. Điều này có nghĩa là nếu bạn đang đi bộ trên đường và trông thấy một người đàn ông đang cúi người, khuỵu gối chuẩn bị nhảy qua một vũng nước, bạn có thể đoán được rằng một “khoảnh khắc mang tính quyết định” (hoặc việc người đàn ông nhảy qua vũng nước) sẽ diễn ra trong khoảng 2 giây tới.
Nếu bạn trông thấy những khoảnh khắc thai nghén như thế này chuẩn bị diễn ra, hãy chắc chắn rằng máy ảnh của bạn luôn ở chế độ sẵn sàng và hãy lưu ý về việc bạn muốn framing bức ảnh như thế nào và chụp lúc nào. Ví dụ, nếu tôi thấy một người đàn ông đang chuẩn bị hút một điếu thuốc và muốn chụp lại hình ảnh đó, tôi sẽ điều chỉnh trước tiêu cự ở mức 1,2 mét, đặt khẩu độ và tốc độ màn trập cho phù hợp và tiến đến gần ông ta để chuẩn bị bấm máy. Sử dụng ống kính tiêu cự 35mm, tôi biết rằng nếu chụp frame dọc từ khoảng cách 1,2 mét sẽ lấy được từ đỉnh đầu đến khoảng thắt lưng của ông ta, còn nếu chụp frame dọc từ khoảng cách 2 mét sẽ lấy được cả thân người trong bức hình (từ đỉnh đầu đến toàn bộ bàn chân).
Đồng thời khi bạn nhìn thấy một ”khoảnh khắc thai nghén”, đừng chỉ chụp một tấm hình rồi rời đi mà hãy chụp vài tấm ở nhiều góc độ khác nhau và chờ đợi những sự chuyển biến nhỏ.
Ví dụ, nếu bạn nấy một cặp đôi lớn tuổi đang trò chuyện cùng nhau, bạn có thể sẽ muốn chụp lại hình ảnh đó từ tầm mắt trở xuống, hoặc tiến sang trái một chút để loại bỏ chiếc xe không được dẹp ở phần background. Bạn có thể cũng sẽ kiên nhẫn chờ đợi những chuyển biến nhỏ trong hành động của họ. Một phút trước họ có thể đang nhìn vào mắt nhau và bạn bấm máy. Họ quay lưng vào nhau và bạn bấm máy. Bạn thấy họ giữ bàn tay nhau, bạn đợi thêm khoảng nửa giây sau và đến khi họ nắm tay nhau, bạn bấm máy. Họ bắt đầu rảo bước đi và bạn biết sẽ không còn sự kiện gì để chụp nữa.
Nếu bạn xem qua contact sheets của các bức ảnh nổi tiếng trong lịch sử, bạn sẽ thấy rằng hiếm có sự kiện nào mà chỉ có một bức ảnh được chụp. Ví dụ, với bức ảnh các em nhỏ đứng trước một bức tường bị vỡ, Henri Cartier-Bresson đã chụp liên tiếp tầm 6 tấm. Còn đối với tấm hai chú bulldogs (trong đó một chú chó trông giống hệt chủ nhân của nó) nổi tiếng của Elliot Erwitts, ông đã chụp hết một cuộn phim để có được góc ảnh chuẩn xác nhất – 36 tấm. Ngay cả Ansel Adams cũng chụp khoảng 10 tấm để có được bức “mặt trăng và nửa mái vòm” nổi tiếng. Câu hỏi ở đây là bạn nên chụp bao nhiêu tấm hình khi bạn thấy một “khoảnh khắc thai nghén”? David Hurn cho biết bản than ông thường chụp khoảng 6 tấm cho mỗi cảnh.
3. Nhận ra rằng bạn chỉ có thể kiểm soát hai điều khi là một nhiếp ảnh gia
Theo David Hurn, là một nhiếp ảnh gia, bạn chỉ có thể kiểm soát được hai thứ đó là vị trí và thời gian.
Vị trí là nơi mà bạn đang đứng khi bạn nhìn thấy một sự việc, bất kể là bạn đang khom người, đang đứng hay đang ở một vị trí thuận lợi trên cao nào đó.
Thời gian đó là khi bạn quyết định bấm máy.
Vì thế khi bạn chụp ảnh đường phố, bạn sẽ nhận ra được có rất ít thứ nằm trong khả năng kiểm soát của bạn. Theo Alex Webb, 99,9% nhiếp ảnh đường phố là thất bại. Cho dù bạn có thể chụp được một chủ thể vô cùng thú vị đi nữa thì rất có thể background sẽ lại rất hỗn độn với người và xe cộ, ánh sáng có thể sẽ xấu, và đôi khi có thể có một cây cột bị vướng vào bức ảnh mà bạn không thể loại bỏ nó bằng cách thay đổi vị trí hay thủ pháp framing.
Tất nhiên sẽ có các yếu tố khác mà bạn có thể kiểm soát được, như khẩu độ, tốc độ màn trập, tiêu cự, v.v… Tuy nhiên cuối cùng thì vị trí và thời gian mới chính là thứ tạo nên nội dung của một bức ảnh. Tất cả những thứ khác có thể làm thay đổi về khía cạnh kỹ thuật hay còn gọi là “hiệu ứng” – là những thứ không quan trọng bằng. Vì vậy, để có thể thành thạo và làm chủ được việc định vị và định giờ, điều cốt yếu là bạn phải trung thành với một tiêu cự mà bản cảm thấy thoải mái nhất (cá nhân tôi khuyên bạn nên sử dụng ống kính 28mm hoặc 35mmm. 50mmm cũng là một sự lựa chọn tốt, tuy nhiên nó thường tạo cảm giác chật chội khi chụp tại các thành phố lớn). Bằng cách gắn bó với một loại tiêu cự, thậm chí bạn sẽ có thể framing được trước khung cảnh trong đầu ngay cả khi chưa cầm máy lên nhắm. Tôi đã từng chụp với tiêu cự 35mm trong gần 5 năm. Điều đó giúp tôi không bị quá tập trung nhiều vào thiết bị mà dành sự quan tâm nhiều hơn cho việc framing và sáng tác bức hình của mình.
Bên cạnh đó, việc thấu hiểu máy ảnh của bạn cũng vô cùng quan trọng. Việc bạn sử dụng loại máy ảnh nào hay việc bạn thao tác chính xác ra sao không phải là điều trọng yếu. Bạn có thể chụp với một chiếc máy DSLR, hay một chiếc máy ảnh lấy nét quang trắc rangefinder, một chiếc iPhone, bất kì một thiết bị nào. Tuy nhiên, hãy luôn chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ một khoảnh khắc mang yếu tố quyết định nào bởi những hạn chế của chiếc máy ảnh bạn đang có.
Ví dụ, nếu thời gian là điều quan trọng trong nhiếp ảnh đường phố thì bạn nên đảm bảo rằng khi bạn bấm máy, máy ảnh của bạn sẽ thực chất chụp một tấm hình. Tôi được biết một vài chiếc máy ảnh có độ trễ màn chập đáng kể. Nếu bạn biết máy ảnh của mình là một trong số đó, hãy bấm chụp trước đó nửa giây. Nếu máy ảnh của bạn có chế độ lấy nét không được tốt thì bạn nên trung thành với khẩu độ f/8 và lấy nét theo vùng bằng tay.
Hãy luôn đảm bảo rằng bạn đã tắt chế độ tự động tắt máy” trên máy ảnh của mình để chắc chắn rằng máy ảnh của bạn không bị tắt hoặc đang trong chế độ nghỉ khi bạn quyết định bấm máy. Và một điều nữa là hãy cất tất cả các nắp đậy ống kính ở nhà và thay vào đó sử dụng uv filter hoặc hood (không có điều gì bực bội hơn bằng việc bạn đang cố gắng chụp một bức ảnh và sực nhớ rằng chưa tháo nắp ống kính).
4. Những bức ảnh đáng nhớ nhất là những bức ảnh có cảm xúc.
Có một câu nói của Bill Jay mà tôi rất yêu thích đó là “Đối với tôi, những bức ảnh tốt nhất đó là những bức ảnh đi thẳng vào trái tim và dòng máu và cần thêm một chút thời gian để chạm đến não bộ”.
Là con người, chúng ta là những sinh vật có tình cảm. Chúng ta gắn kết với nhau và với những bức ảnh thông thường là do nội dung cảm xúc. Hãy nghĩ đến những bức ảnh nổi tiếng vốn đã quá quen thuộc với chúng ta. Thường thì chúng sẽ liên quan đến tình yêu (những nụ hôn), nỗi đau (những em bé đói khổ), hoặc hy vọng (con người nhìn về phía đường chân trời).
Một bức ảnh xuất sắc không cần phải chan chứa cảm xúc để được nhớ đến mà nó phải có ích.
Hiện nay có quá nhiều hình ảnh trên internet và khá dễ dàng để chúng ta có thể lướt qua chúng một cách nhanh chóng mà không mất hơn nửa giây. Tuy nhiên, nếu những bức ảnh đó có chứa đựng một điều gì đo kết nối với chúng ta trên phương diện cảm xúc, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu bức ảnh đó, và thường thì ta sẽ tìm ra được những chi tiết nhỏ đã làm nên sự tuyệt vời của bức hình.
5. Nhiếp ảnh gia đơn giản là một “Người chọn lựa chủ thể”
Một bức ảnh là hình ảnh phản chiếu của người nhiếp ảnh gia. Có nghĩa là, chúng ta thường chụp những bức ảnh mà chúng ta cảm thấy hứng thú với tư cách là những nhiếp ảnh gia. Là những nhiếp ảnh gia ảnh đường phố, chúng ta luôn hướng đến con người vì điều đó thể hiện sự quan tâm của chúng ta đến nhân loại, xã hội và mọi người xung quanh mình.
David Hurn nói rằng với tư cách là một nhiếp ảnh gia, chúng ta đơn giản là những “người lựa chọn chủ thể”. Điều này có nghĩa là phong cách và triết lý sáng tạo hình ảnh của bạn ít phụ thuộc vào việc bạn chọn chụp kỹ thuật số hay chụp phim, chụp màu hay chụp đen trắng, ảnh nét hoặc ảnh nhòe. Những hiệu ứng ảo diệu hay một loại máy ảnh nào đó không tạo nên một nhiếp ảnh gia mà là chính chủ thể được nhiếp ảnh gia lựa chọn chụp.
Ví dụ, nếu bạn xem những tác phẩm của Elliot Erwitt, bạn sẽ thấy ông ấy có một khả năng sâu sắc để nắm bắt lấy những điều hài hước và ngốc nghếch trên thế giới. Ông ấy cũng thích chụp ảnh những chú chó. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được tính cách của ông ấy tỏa sáng qua những bức ảnh dựa trên những khoảnh khắc và chủ thể mà ông đã lựa chọn (nhân tiện, ông ấy cũng rất yêu chó).
Do đó hãy tập trung công việc nhiếp ảnh của bạn vào vấn đề chủ thể mà bạn chụp, và hãy suy nghĩ kỹ càng về thông điệp mà bạn đang cố gắng thể hiện trong những bức hình của mình. Bạn là một nhà thiết kế đồ họa? Nếu như vậy thì có thể bạn nên sáng tác ra những bức ảnh tập trung vào các hình khối, hình dạng, và bóng đổ. Nếu bạn từng làm công tác xã hội, có thể bạn nên ghi lại hình ảnh của những người vô gia cư hoặc những ai đang vất vả bươn chãi. Bạn là một doanh nhân và bạn không yêu thích công việc của mình? Có lẽ bạn nên thực hiện một dự án về các doanh nhân đầy phiền muộn khác.
Hãy giảm bớt tập trung vào hiệu ứng và dồn sự quan tâm vào chủ thể mà bạn sẽ chụp. Điều này đánh dấu việc bạn là một nhiếp ảnh gia.
6. Hãy chú ý đến những tấm ảnh xấu của bạn chứ không chỉ những bức hình tốt.
Thật dễ dàng để yêu những bức ảnh đẹp của mình. Tuy nhiên David Hurn khuyên rằng chúng ta nên quan tâm nhiều đến những bức ảnh xấu chứ không phải những bức ảnh tốt của mình.
Khi bạn nhìn và chỉnh sửa những bức ảnh của mình, đừng xem xét những yếu tố giúp tấm ảnh trở nên đẹp, mà hãy xem xét những điều có thể làm bạn mất tập trung hoặc những yếu tố làm cho nó trở nên thất bại. Có phải vì ánh sáng quá phẳng? Có phải vì có quá nhiều đối tượng ở background? Hay chủ thể của bạn cách quá xa trung tâm của bức ảnh?
Rất nhiều nhiếp ảnh gia từng theo học các khóa chụp ảnh phim tại trường lớp mà tôi quen không được phép loại bỏ những bức ảnh thất bại của họ mà phải nộp toàn bộ cuốn phim mình đã chụp cho các giáo sư. Các vị giáo sư luôn chú ý đến những bức ảnh thấy bại của họ và luôn trao đổi với họ để chỉ ra vì sao bức ảnh đó không dùng được. Bằng cách hiểu ra vì sao bức ảnh của mình không thể sử dụng được, bạn sẽ ngẫm ra được rằng tại sao những bức ảnh khác của mình lại được đánh giá là tốt.
7. Hãy đầu tư một đôi giày tốt
Nhiếp ảnh gia thường bị ảm ảnh quá nhiều về thiết bị của họ (máy ảnh, ống kính, v.v…) mà quên đi món đồ vật thiết yếu nhất, đó là giày.
Nếu bạn đi một đôi giày thoải mái, bạn sẽ chụp được trong khoảng thời gian lâu hơn mà không bị chùng lại. Có một đôi giày tốt cũng giúp bạn trở nên linh hoạt hơn để có thể chạy đi chụp những bức hình nhất định, để khuỵu xuống hoặc thậm chí nhảy qua hàng rào hoặc bờ tường (nếu cần thiết).
Nếu hôm đó trời đổ mưa hoặc có nhiều bùn lầy, một đôi giày chống thấm nước cũng rất hữu ích.
8. Hãy chụp ảnh với một dự án trong đầu
Tuy rằng truyền thống của nhiếp ảnh đường phố đó là đi lang thang ở nơi công cộng mà không có một chủ đề nào trong tâm trí nhưng tôi nhiệt liệt khuyến khích những ai muốn nghiêm túc hơn với sự nghiệp nhiếp ảnh của mình rằng hãy chuẩn bị cho mình một dự án.
David Hurn tường thuật lại việc ông gặp Garry Winogrand. Khi Winogrand mất, ông ấy để lại hàng ngàn cuộn phim chưa tráng. Điều này làm cho mọi người tin rằng Winogrand chỉ ngẫu nhiên ra ngoài và chụp bất cứ thứ gì chuyển động. Tuy nhiên Hurn nói rằng trong cuộc hội thoại với Winogrand, ông ấy cho biết ông ấy luôn ra ngoài và chụp ảnh với một dự án trong tâm thức. Chẳng hạn, Winogrand kể rằng ông ấy đến sân bay rất nhiều lần. Sau đó ông ấy bắt tay vào dự án của chính mình về sân bay. Ông ấy cũng thực hiện rất nhiều dự án cùng một lúc và chụp rất nhiều để có được nhiều hình ảnh để chọn lựa.
9. Biên tập bằng bản in
Với ảnh kỹ thuật số, chúng ta bỏ thời gian của mình ra để biên tập (chọn lựa những bức ảnh tốt nhất) bằng máy vi tính, Lightroom, v.v… Tuy nhiên có một điều mà David Hurn đề cập đó là tuy chúng ta có công nghệ hỗ trợ, nhưng vẫn rất đáng để biên tập bằng bản in.
Nếu bạn biên tập bằng bản in, quá trình này sẽ sống động và tự nhiên hơn nhiều. Chúng ta có thể đơn giản bày những bản in trên bàn, phân nhóm hoặc loại bỏ những tấm ảnh không tốt.
Ví dụ như James Natchway, một phóng viên chiến tranh, thường dán những tấm ảnh 4x6 lên tường và nhìn ngắm chúng liên tục hàng tháng. Ông ấy sẽ giữ lại những bức ảnh thật sự tốt và loại bỏ những tấm không tốt bằng.
Vậy điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Nếu bạn đang cố gắng biên soạn cho mình một portfolio gồm khoảng 20 tấm đỉnh nhất, sẽ là một ý kiến hay nếu bạn in những tấm ảnh tốt ra theo khỗ 4x6 và đặt chúng lên bàn. Hãy giữ những bức hình tốt nhất và loại bỏ những tấm yếu.
Nếu bạn đang thực hiện một dự án, hãy phân nhóm những hình ảnh tương tự với nhau và thậm chí sắp xếp chúng theo một trình tự nào đó. Ví dụ, khi Robert Frank đang thực hiện dự án “Người Mỹ”, ông ta đã phân nhóm những bức ảnh của mình thành nhiều thể loại. Một vài trong số chúng rơi vào mục “xe ô tô”, “những cuộc mít tinh chính trị”, “quán bar”, v.v… Sau đó ông sẽ đảm bảo rằng những bức hình của ông có đủ sự đa dạng, từ đó tiếp tục chọn lựa và chỉ giữ lại những bức ảnh ưng ý nhất.
10. Máy ảnh tạo ra các giải pháp, không phải các rắc rối
Hurn đề cập trong cuốn sách của ông ấy rằng rất nhiều nhiếp ảnh gia tham vọng có một nỗi sợ khi phải tiếp cận người lạ, chụp ảnh họ mà không có sự cho phép của họ. Ông ấy cũng nói rằng hầu hết các nhiếp ảnh gia ghét được nhìn thấy với chiếc máy ảnh và chỉ mong sao có thể biến chiếc máy ảnh thành tàng hình.
Hurn nói đây là những điều thật vô nghĩa. Ông ấy cho rằng máy ảnh là để tạo ra các giải pháp chứ không phải các rắc rối. Ví dụ, đối với những nhiếp ảnh gia nhút nhát, máy ảnh sẽ là một cái cớ để cho họ được tò mò. Đó là “tấm vé vào cửa” để đến được với những khoảnh khắc mà thường thì bạn không có cơ hội để tiếp cận.
Ví dụ, giả sử như bạn đang đi ngang qua một buổi hòa nhạc, nếu bạn tiếp cận nhân viên an ninh và nói bạn muốn vào trong xem, bạn sẽ rất có khả năng bị từ chối. Tuy nhiên nếu nhân viên an ninh hỏi lý do “Vì sao bạn muốn vào trong?” và bạn trả lời rằng bạn là một nhiếp ảnh gia, đồng thời cho anh ấy xem chiếc máy ảnh của mình, bạn sẽ có nhiều khả năng được cho vào hơn.
Đừng xem chiếc máy ảnh là một vật mà bạn muốn giấu đi mà hãy xem nó là biểu tượng của quyền lực và thẩm quyền. Đó là phần mở rộng thêm của cơ thể và đôi mắt của bạn.
Các nhiếp ảnh gia đường phố vốn rất hứng thú với con người. Hãy tưởng tượng xem sẽ khó xử như thế nào nếu bạn chỉ đơn giản nhìn chằm chằm vào một người nào đó ở nơi công cộng mà không nói bất cứ thứ gì. Nếu bạn bị bắt gặp (và bạn không phải là một nhiếp ảnh gia), người đó có thể cảm thấy ngại ngùng hoặc kỳ dị. Nhưng nếu bạn bị bắt gặp và bạn nói bạn là một nhiếp ảnh gia và bạn cảm thấy họ có một khuôn mặt tuyệt vời, họ sẽ cảm thấy mình được khen tặng.
Lời kết
Tôi rất khuyến khích môi người tìm đọc cuốn sách của David Hurn “On Being A Photographer“. Đó là một trong những cuốn sách ảnh mang tính định hướng và thiết thực trong thể loại của nó, được viết bởi một nhiếp ảnh gia của tạp chí Magnum.
Còn bây giờ, hãy ra ngoài và chụp ảnh thôi!
MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG CUỐI CÙNG. CHÚNG TA HÃY THẬT SỰ ĐỐI XỬ TỬ TẾ VỚI NHAU, CHIA SẺ NHỮNG THỨ CÓ THỂ CHO NHAU VÌ MỘT CỘNG ĐỒNG WEDDING PHOTOGRAPHER THẬT SỰ PHÁT TRIỂN.
CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY NẾU CÁC BẠN THẤY NÓ CÓ ÍCH NHÉ.
Bài viết được dịch từ bài viết gốc: "10 Things Magnum Photographer David Hurn Can Teach You About Street Photography"
Link bài gốc: http://erickimphotography.com/blog/2012/05/27/10-things-magnum-photographer-david-hurn-can-teach-you-about-street-photography/
CÁC BẠN WEDDING PHOTOGRAPHER CÓ NHU CẦU NÂNG KIẾN THỨC VỀ ẢNH CƯỚI THÌ CÓ THỂ THAM KHẢO CHUỖI CÁC LỚP HỌC VÀ WORKSHOP DO KHOI LE TỔ CHỨC TẠI ĐÂY: https://khoilestudios.com/workshop-by-khoi-le/
CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM WEBSITE CỦA MÌNH NHÉ